Ngày 12/6/2018, ĐHQGHN đã chính thức ra mắt ứng dụng điều vận xe trực tuyến EMDDI - nền tảng công nghệ điều vận xe trực tuyến hoạt động theo mô hình hoàn toàn mới, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin kết nối các đơn vị kinh doanh vận tải. Sản phẩm do nhóm các nhà khoa học của Trường ĐH Công nghệ và Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN nghiên cứu phát triển, đã đăng ký sở hữu trí tuệ và được ứng dụng thành công trong thực tiễn.
Đây là sản phẩm nghiên cứu khoa học được ứng dụng cho quản lý và phát triển doanh nghiệp, đồng thời tạo môi trường mới cho các dịch vụ cạnh tranh một cách lành mạnh với khả năng ứng dụng và vốn hóa cao.
Phát biểu tại hội thảo ra mắt sản phẩm, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức cho biết, với tinh thần tạo môi trường khuyến khích và tiên phong trong xây dựng quốc gia khởi nghiệp, ĐHQGHN tập trung hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh phát triển các không gian sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp gắn với định hướng phát triển đại học đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ trong tất cả các hoạt động.
Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức khẳng định, hướng nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN kết hợp giữa nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng định hướng đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển hài hòa giữa mục tiêu vốn hóa tài sản tri thức, gia tăng giá trị kinh tế của đại học với việc tạo ra giá trị cộng hưởng cho doanh nghiệp và cộng đồng. Trên tinh thần đó, ĐHQGHN ưu tiên các hướng nghiên cứu phát triển sản phẩm quốc gia, các công nghệ lõi của cuộc cách mạng 4.0.
“Hệ sinh thái khởi nghiệp ở ĐHQGHN đang được xây dựng và hoàn thiện theo mô hình 4 trong 1, từ ý tưởng đến nghiên cứu sáng tạo, phát minh, sáng chế, sở hữu trí tuệ, chuyển giao tri thức và khởi nghiệp. Các sản phẩm khoa học công nghệ của ĐHQGHN được nghiên cứu và phát triển theo hướng ứng dụng thực tiễn, hướng tới lợi ích cộng đồng” – Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.
Đại diện nhóm tác giả, ông Đào Kiến Quốc – giảng viên Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN đã giới thiệu về nền tảng công nghệ và mô hình điều vận xe trực tuyến EMDDI. Theo đó, xuất phát từ ý tưởng “Một ứng dụng duy nhất cho tất cả”, EMDDI xây dựng một hệ thống có tính chất nền tảng, tích hợp các công ty taxi, đơn vị phục vụ vận tải hành khách và dịch vụ giao hàng.
“Nhiều người đã biết đến Uber và Grab, đã thấy cách đặt xe và điều xe ở đó tuyệt vời như thế nào. Với sự phổ biến của các thiết bị di động, internet di động, công nghệ định vị và dẫn đường vệ tinh, tính toán với dữ liệu lớn thì ý tưởng này mới có thể xuất hiện và trở thành một hiện thực, mang lại lợi ích cho hàng trăm triệu người” – Ông Đào Kiến Quốc cho biết.
Cũng theo ông Quốc, nếu như đối với Uber, Grab hay các đơn vị kinh doanh vận tải khác, đơn vị taxi nào đăng ký điều xe bằng phần mềm của họ thì phải mất phí, còn “EMDDI là nền tảng cho phép hàng trăm đơn vị vận tải sử dụng để làm điều tương tự nhưng là chủ thể kinh doanh chỉ với 10 phút thiết lập cấu hình kinh doanh vận tải”.
Điểm khác biệt giữa EMDDI và các phần mềm điều xe của các hãng taxi truyền thống khác là người dùng không cần cài đặt các ứng dụng riêng biệt của từng hãng. Hơn nữa, EMDDI có khả năng nhận diện chính xác các khu vực địa lý và tự động kết nối với các đơn vị vận tải ở các địa phương đó.
Ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải, trong thời gian vừa qua, nhiều ứng dụng công nghệ đã được triển khai trong hoạt động kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có một phần mềm của các nhà khoa học Việt Nam, cụ thể là ĐHQGHN được ứng dụng trong hoạt động quản lý và tổ chức kinh doanh vận tải. “Phần mềm EMDDI đã cơ bản giải quyết các vấn đề mấu chốt về thực trạng quản lý kinh doanh vận tải thời gian qua” – Ông Nguyễn Xuân Thủy khẳng định. Phó Vụ trưởng Vụ Giao thông vận tải cũng đề nghị nhóm tác giả làm rõ một số vấn đề về yếu tố công nghệ để phần mềm được vận hành tốt nhất khi áp dụng vào thực tiễn.
Theo ông Trần Quang Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Giao thông Vận tải, việc đưa phần mềm EMDDI triển khai rộng rãi giúp các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống cởi bỏ nút thắt trong thực tế cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ như Uber và Grab. Phần mềm là công cụ kết nối giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và khách hàng sử dụng dịch vụ. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hoàn toàn tự chủ trong việc quyết định giá dịch vụ, đây là cốt lõi của giao dịch thương mại điện tử. Bằng phương thức thanh toán trực tiếp cho đơn vị kinh doanh vận tải trên nền tảng công nghệ QR-code, EMDDI cũng là giải pháp đảm bảo lợi ích doanh nghiệp. Ông Hà tin tưởng và kỳ vọng với năng lực chủ động trong việc xây dựng phần mềm và phối hợp với các đơn vị vận tải, EMDDI có thể mở rộng sang lĩnh vực vận tải hàng hóa trong thời đại các nền tảng công nghệ phát triển mạnh mẽ.
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, bà Trần Thị Hồng Lan – Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển Công nghệ khẳng định: “EMDDI là nền tảng công nghệ tiên phong, có khả năng kết nối cộng đồng”. Bà Lan cũng cho hay, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn bày tỏ quan điểm ủng hộ phương thức phát triển các ứng dụng khoa học và công nghệ vào khởi nghiệp, các mô hình công ty spin-off của ĐHQGHN.
Với tư cách các đơn vị kinh doanh vận tải đã thí điểm triển khai phần mềm EMDDI trong hoạt động của mình, lãnh đạo các doanh nghiệp như Vinasun (thành phố Hồ Chí Minh), Lado Taxi (Lâm Đồng), Phúc Xuyên (Quảng Ninh), Hiệp hội taxi Hà Nội… đều đánh giá cao hiệu quả của phần mềm và cho rằng, EMDDI là giải pháp công nghệ hiệu quả, tối ưu trong việc kết nối doanh nghiệp và khách hàng trong bối cảnh taxi công nghệ đang dần có lợi thế hơn taxi truyền thống, đồng thời giải quyết được những hạn chế mà phần mềm điều xe riêng của từng hãng đang gặp phải. Đại diện các hãng vận tải cũng đồng thuận trong việc kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước tháo bỏ nút thắt về cơ chế để EMDDI có thể ứng dụng đại trà trên toàn quốc.
Hiện nay, EMDDI được triển khai tại hơn 20 tỉnh thành trên cả nước với hàng nghìn xe tham gia, trong đó có các công ty taxi được hoạt động theo đề án thí điểm xe chạy hợp đồng điện tử của Bộ Giao thông Vận tải. Tại Hà Nội, EMDDI đã ký kết thỏa thuận hợp tác với khoảng 20 hãng taxi thuộc Hiệp hội Taxi Hà Nội.
>>> Các tin tức liên quan trên báo chí:
- Dân trí: Các nhà khoa học ĐH Quốc gia HN ra mắt sản phẩm điều vận xe trực tuyến EMDDI
- Thanh niên: Đại học Quốc gia Hà Nội hy vọng ứng dụng EMDDI mạnh hơn Uber, Grab
- Kinh tế & Đô thị: Đại học Quốc gia Hà Nội: Công bố phần mềm điều vận xe EMDDI giúp DN taxi giành lại thị phần khách?
- Tiền phong: ĐH Quốc gia Hà Nội khởi nghiệp với phần mềm điều vận xe EMDDI
- Đại biểu nhân dân: Sớm tạo tính pháp lý cho phần mềm điều xe trực tuyến EMDDI
- VnExpress: Phần mềm điều vận xe trực tuyến của Việt Nam cạnh tranh Grab
- Giao thông vận tải: Ra mắt EMDDI–Phần mềm Việt hứa hẹn khuấy đảo thị trường ứng dụng gọi xe
- Công an nhân dân: ĐHQG Hà Nội “trình làng” mô hình gọi xe trực tuyến như Uber, Grab
- Nhân dân: Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu thành công phần mềm điều vận xe
- Vietnamnet: Ra mắt mô hình điều vận xe trực tuyến kỳ vọng mạnh hơn Uber, Grab
- Tuổi trẻ: ĐH Quốc gia Hà Nội thiết kế mô hình cạnh tranh với Grab, Uber
- Chính phủ: Ứng dụng điều vận xe trực tuyến hoàn toàn mới ở Việt Nam
Hương Giang - Lan Anh - Ngọc Tùng - Hoàng Giang - VNU Media